Blog du lịch Miền Trung Việt Nam

Văn Miếu Huế ở đâu? Văn Miếu Huế có gì đặc sắc

Văn Miếu Huế hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Văn Thánh Miếu, Tiên Sư Miếu, Thánh Miếu…. Nơi đây tưởng chừng như là một địa danh bị lãng quên thế nhưng vài năm trở lại đây nơi đây bắt đầu được nhiều được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé tới tham quan và thường xuyên xuất hiện trong các bộ ảnh cực đẹp ở Huế. Nếu như bạn còn đang không biết Văn Miếu Huế ở đâu, có gì đặc sắc thì hãy cùng chúng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé! 

Văn Miếu Huế ở đâu? 

Văn Miếu tọa lạc ở ngay bên dòng Hương Giang thơ mộng, nơi đây thuộc địa phận xã Hương Long, thành phố Huế. Đây là một công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn và trở thành một di tích lịch sử có ý nghĩa đối với cố đô xưa.

Cách di chuyển từ trung tâm thành phố Huế tới đây cũng rất dễ dàng và thuận tiện. Để giúp bạn dễ dàng hơn trong việc di chuyển, trong bài viết hôm nay chúng mình sẽ hướng dẫn chỉ đường đi đến Văn Miếu ở Huế một cách nhanh chóng và đơn giản nhất:

Từ Đại Nội Huế bạn di chuyển theo hướng đường Đặng Thái Thân rồi rẽ trái vào Yết Kiêu. Từ đây đi thêm một đoạn thì rẽ trái vào Lê Duẩn. Sau đó chỉ cần đi thẳng xuôi theo dòng sông Hương từ Kim Long qua Nguyễn Phúc Nguyên và đường Văn Thánh là có thể dừng chân tại Văn Thánh Miếu.

Xem thêm: Chơi gì ở Huế? 33 địa điểm du lịch Huế “MỚI TOANH” ít người biết đến

Văn Miếu Huế có gì đặc sắc?

Mặc dù đã từng là một công trình kiến trúc hoành tráng ở Huế thời xa xưa thế nhưng Văn Miếu đã dần bị lãng quên cho tới vài năm trở lại đây khi Văn Miếu xuất hiện ngày càng nhiều trong những bức ảnh của nhiều du khách trong và ngoài nước thì Văn Miếu mới thực sử trở lại và được nhiều người ghé tới.

Mặc dù gần như bị lãng quên thế nhưng các công trình kiến trúc tại đây hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp và gây ấn tượng du khách nhờ vẻ hoang sơ và có chút gì vô cùng huyền bí. Cùng chúng mình khám phá vẻ đẹp của Văn Miếu xứ Huế trong bài viết này nhé!

Lịch sử của Văn Miếu 

Theo như tìm hiểu, trong thời kì những vị vua thời Nguyễn cho mở mang xây dựng bờ cõi, khai phá phương Nam, Văn Miếu đầu tiên được xây dựng ở làng Triều Sơn, đến năm 1770, dưới triều Nguyễn Phúc Khoát được dời đến xã Long Hồ và được biết đến là Văn Miếu của Đàng Trong.

Sau này cho đến khi đến thời gian triều đại nhà Nguyễn bắt đầu xây dựng cơ đồ. Văn Miếu Huế bắt đầu được chính thức cho xây dựng ở đường Văn Thánh, tọa lạc ở bên dòng sông Hương cho đến hiện tại. Văn Miếu cũ ở xã Long Hồ vẫn được giữ lại để làm nơi thời Khải Thánh Từ – nơi chờ cha mẹ của Khổng Tử. Dưới triều đại nhà Nguyễn, Văn Miếu được xây dựng với những nét kiến trúc uy nghiêm, đồ sộ, nằm ở phía Tây kinh thành và tọa lạc ở ngay dòng sông Hương, thôn An Bình, làng An Ninh, thành phố Huế.

Ngoài việc được xây dựng làm nơi để thờ Khổng Tử thì Văn Miếu còn là nơi thờ Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử và Mạnh Tử, Thập Nhị Triết cũng với các bậc thánh hiền tài có công trong việc xây dựng và phát triển đạo Nho. Cũng giống như Văn Miếu ngoài miền Bắc, ghé tới đây bạn sẽ bắt gặp những bia tiến sĩ trên lưng rùa.

Đặc biệt, các bia này được biết chúng chỉ bắt đầu được xây dựng từ thời vua Minh Mạng khi các khoa thi hội được diễn ra. Còn trước đó, vào thời vua Gia Long, triều đình nhà Nguyễn chỉ cho mở các khoa thi hương mà thôi. Nơi đây có tới hơn 30 tấm bia đá được khắc rõ tên tuổi, quê quán của 293 bậc tiến sĩ, trong đó bạn có thể dễ dàng nhận thấy có những tên tuổi nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền, Tống Duy Tân.

So với thuở mới thành lập, Văn Miếu Huế đã được trải qua nhiều lần tu sửa, cho xây dựng thêm một vài công trình phụ cũng như làm mới đồ thờ cúng ở bên trong các gian thờ vào những năm như 1818, 1822…, 1895 và cuối cùng là năm 1903.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, vào năm 1947 khi thực dân Pháp chiếm đóng nước ta chúng đã tàn phá nơi này. Nhiều công trình, khuôn viên bên trong chỉ còn lại nền móng. Văn Miếu Huế đã có khoảng thời gian bị bỏ hoang và không có ai ghé qua. Một vài năm trở lại đây, nhiều du khách nước ngoài đã đến và chụp những bộ hình tại Văn Miếu đã giúp cho nơi này trở thành một trong những địa điểm được nhiều người yêu thích.

Xem thêm: Kinh nghiệm thăm quan Chùa Thiên Mụ Huế và những điều nên tránh

Khám phá nét kiến trúc của Văn Thánh Miếu Huế

Mặc dù so với thuở mới thành lập thì Văn Miếu Huế hiện nay bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại một vài những công trình kiến trúc tiêu biểu thế nhưng có lẽ chính bởi nét hoang sơ đã khiến cho nơi đây được nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước yêu thích.

Mặc dù bị tàn phá nặng nề thế nhưng chính quyền tại đây đã cố gắng tu sửa lại những công trình còn sót lại. Đặc biệt, phía trước sân miếu du khách sẽ bắt gặp những bia rùa – nơi được khắc tên tuổi của những người thi đỗ tiến sĩ thời xưa. Các bia đá này đều đã được dựng lại ngay ngắn và làm nhà mái hiên che chắn.

Phía cuối hai dãy bia đá du khách sẽ bắt gặp 2 nhà bia đá có ý nghĩa to lớn. Đó là bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (tức vua Minh Mạng) viết về việc Thái Giám không được liệt vào hạng quan lại. Nhà bia còn lại là của Hiền Tổ Chương Hoàng Đế (tức vua Thiệu Trị) nói về việc họ hàng bên ngoại của nhà Vua sẽ không được tham gia vào việc chính quyền.

Cổng Đại Thành Môn là công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại và vẫn giữ nguyên được những nét nổi bật của kiến trúc cung đình ngày xưa. Cổng được xây dựng hoành tráng thể hiện sự khéo léo, tài tình của những người xây dựng thời xưa. Cổng Đại Thành trải qua bao biến cố vẫn đứng sừng sững, hiên ngang và mang đậm dấu ấn của thời gian với những bức tường mọc rêu và không còn vẹn nguyên. Song đây vẫn là một công trình đặc biệt có ý nghĩa lịch sử đối với cố đô Huế.

Từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào bên trong, phía ngay chính giữa chính là ngồi điện thờ Khổng Tử với tên gọi là Đại Thành Điện. Nơi đây được xây dựng trên nên cao với chiều dài khoảng 32m và chiều rộng 25m. Ngôi điện được thiết kế theo đúng kiểu kiến trúc truyền thống trùng thiềm điệp ốc của Huế.  Phía trước ngôi điện ở hai bên là hai ngôi nhà bảy gian đối diện nhau có tên gọi là Đông Vu và Tây Vu. Tuy nhiên nơi này đã bị tàn phá nặng nề.

Bên cạnh Đại Thành Môn và 32 bia đá tiến sĩ thì một trong trình kiến trúc vẫn còn sót lại cho đến ngày này chính là Linh Tinh Môn. Cửa Linh Tinh Môn hướng ra dòng sông Hương thơ mộng, nơi đây được thiết kế bao gồm 4 trụ được xây bằng gạch, phía bên trên được trang trí pháp lam vô cùng nổi bật. Tấm biển phía giữa với dòng chữ Đạo Tại Lưỡng Gian (có nghĩa là đạo giữa trời đất), mặt bên trong có 4 chữ Trác Việt Thiên Cổ (có nghĩa là vượt cao ngàn xưa).

Một vài lưu ý khi đi Văn Miếu Huế 

Tuy Văn Miếu là một địa điểm gần như bị bỏ hoang thế nhưng khi ghé tới đây tham quan bạn tuyệt đối không có những hành động làm ảnh hưởng đến những công trình kiến trúc còn sót lại ở đây nhé! Không nên khắc lên bia đá hay các công trình để làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như giá trị lịch sử.

Khi tới tham quan không nên xả rác bừa bãi, có ý thức bảo vệ những công trình kiến trúc có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử cố đô Huế cũng như lịch sử Việt Nam nhé!

Mặc dù trải qua rất nhiều biến cố của lịch sử, Văn Miếu Huế cũng không còn giữ nguyên được những nét kiến trúc nổi bật như thời xa xưa thế nhưng cho đến ngày nay, Văn Miếu vẫn được xem là một công trình kiến trúc có ý nghĩa, một biểu tượng của nền giáo dục dưới thời phong kiến thống trị, đánh dấu một thời hưng thịnh của Nho giáo triều Nguyễn. Nếu có dịp ghé tới Huế thì bạn đừng bỏ qua địa điểm tham quan này nhé!

>> Xem thêm: Lịch trình & Kinh nghiệm du lịch Huế tự túc 2019 trọn vẹn trong 2 ngày

Đỗ Trần Hà My, sinh ra và lớn lên tại Huế, từng làm hướng dẫn viên du lịch chuyên tour Hà Nội, Sài Gòn đi Huế. Hiện mình đã nghỉ và làm viết bài cho Wolverineair. Hãy đọc và chia sẻ những bài viết về kinh nghiệm du lịch Huế cho Hà My nhé.

Comments are closed.